Hát đồng song thanh hay được biết đến trên thế giới với cái tên Tuvan Throat Singing, Khoomei, Hooliin Chor, là một hình thức nghệ thuật hát cổ xưa của Mông Cổ. Nó là một biến thể đặc biệt của hòa âm giọng hát, được hình thành và phát triển từ Mông Cổ, Nội Mông, Tuva và Siberia. Từ “Khoomei” trong tiếng Mông Cổ dùng để chỉ một âm thanh đặc biệt phát ra từ cổ họng. Do cách phát âm độc đáo và đặc biệt của nó, nó được gọi là “phương pháp ca hát lâu đời nhất trên thế giới”.
Sự xuất hiện và phát triển của Khoomei có lịch sử lâu đời. Từ thời Hy Lạp cổ đại và La Mã cổ đại đã có những ghi chép về Khoomei, và cũng có những ghi chép trong các tác phẩm âm nhạc cổ điển ở Trung Quốc. Trong khi các tài liệu của UNESCO chỉ ra rằng Khoomei xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13, một số nguồn trực tuyến lại cho rằng nó có nguồn gốc từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, khi người Hung Nô - một liên minh các bộ lạc du mục còn được gọi là người Huns - nổi lên và sau đó định cư trên Cao nguyên Mông Cổ.
Vào thời cổ đại, hát đồng song thanh là một hoạt động hiến tế tôn giáo với vai trò một phương tiện truyền tải, hình thành nên các phong cách ca hát khác nhau và các trường phái Khoomei khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau. Văn hóa Khoomei có nguồn gốc từ Mông Cổ; đây là hình thức chính được những người chăn gia súc áp dụng trong ca hát. Đặc điểm chính của nó là họ hát bằng cổ họng và có thể hát hai âm cao thấp cùng một lúc, do đó tạo thành hình thức đặc biệt. Đây là một “nghệ thuật cổ họng” hiếm có trên thế giới và được coi là “hóa thạch của âm nhạc dân gian Mông Cổ”. Truyền thuyết kể rằng nguồn gốc của văn hóa Khoomei là từ những âm thanh đáng kinh ngạc và hùng vĩ giữa thác nước và thung lũng. Mọi người cứ bắt chước và cuối cùng hình thành nên một mô hình âm nhạc độc đáo, đây chính là hình thức nghệ thuật sau này được gọi là Khoomei. Từ thời nhà Đường đến thời nhà Nguyên, hình thức ca hát này đã đi từ cung đình đến dân chúng và trở thành nghệ thuật ca hát quốc gia. Sau thời nhà Nguyên, vì người Mông Cổ đã gia nhập xã hội phong kiến và dần tiến tới thống nhất, và văn hóa của nhà Nguyên Trung Quốc và văn hóa đồng cỏ đã được trao đổi và hòa nhập giữa các nhóm dân tộc, điều này đã phát triển và cải thiện hơn nữa hình thức nghệ thuật cổ xưa này. Sau khi thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, sự phát triển của hát đồng song thanh đã được cải thiện rất nhiều. Nó không chỉ hình thành nên một “phong cách đồng cỏ” và “văn hóa đồng cỏ” độc đáo, mà còn được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thích. Đây là cơ hội phát triển tốt cho nghệ thuật hát đồng song thanh.
Hát đồng song thanh là một kĩ thuật hát đặc biệt mà âm giọng được tạo ra bởi sự phối hợp nhịp nhàng giữa lưỡi, răng, vòng miệng và thanh quản. Hay nói cách khác thì lối hát này không cần tới nhạc cụ biểu diễn hỗ trợ, nó hoàn toàn được thay thế bởi các hình thái âm sắc do chính con người tạo ra. Trong kĩ thuật hát này người trình diễn sẽ tạo ra một cao độ cơ bản và đồng thời tạo ra thêm một cao độ khác cao hơn cùng lúc. Một ca sĩ Khoomei có thể hát hai hoặc ba giọng cùng một lúc theo cách hài hòa. Người nghe có thể nghe thấy âm trầm cơ bản kéo dài được tạo ra trong cổ họng của ca sĩ, thường ở âm vực thấp-trung bình đến trung bình của giọng nói bình thường của người biểu diễn, cùng với một hoặc hai âm cao hơn âm vực trầm. Do đó, có thể nghe thấy hai hoặc ba âm bội cùng một lúc, trải dài từ một đến sáu quãng tám.
Có 3 phong cách hát đồng song thanh cơ bản là Khoomei, Kargyraa and Sygyt, Ezengileer, Borbannadyr. Khoomei là phong cách truyền thống, phong cách âm nhẹ nhàng hơn, với các âm cơ bản (hay drone) thường ở tần trung thấp đến tầm trung của giọng nói bình thường của ca sĩ. Trong phong cách này, thường là 2 hoặc 3 giai điệu có thể được nghe từ một đến hai quãng tám trên. Trong Khoomei, bụng khá thoải mái, và có ít căng thẳng về thanh quản hơn trong các phong cách khác. Cao độ được hình thành bằng thao tác thông qua một sự kết hợp của đôi môi, cổ họng, lưỡi hoặc hàm. Sygyt nghĩa đen là huýt sáo, do âm thanh tạo ra ở tầm trung cơ bản và các bồi âm ở tần cao nghe giống tiếng huýt sáo, tiếng chim. Cao độ hình thành tương tự phong cách Khoomei. Kargyraa là kỹ thuật có liên quan đến Phật giáo Tây Tạng và có sự tương đồng với vocal fry trong thanh nhạc hiện đại và cũng là cách đã hình thành nên giọng nói của nhân vật hoạt hình Popeye’s. Hai phong cách còn lại là sự biến thể của 3 phong cách chính trên. Ngày nay hát đồng song thanh đã có những bước phát triển sáng tạo khi được sử dụng vào cả nhạc dance, rap hiphop để cho ra các thể loại độc đáo và rất lạ.
Ngày nay, hát đồng song thanh vẫn được phổ biến rộng rãi trong dân tộc Mông Cổ, với các ca sĩ biểu diễn cả độc tấu và hòa tấu theo nhóm. Trong các lễ hội quan trọng như Naadam, một lễ kỷ niệm lớn của dân tộc Mông Cổ và Tsagaan Sar (Tết Nguyên đán Mông Cổ), các ca sĩ Khoomei nổi tiếng hoặc chuyên nghiệp biểu diễn phong cách này trong nhiều hoạt động văn hóa và thể thao, bao gồm các nghi lễ thắp nến, nghi lễ hiến tế, đua ngựa, thi bắn cung, giải đấu vật và tiệc lớn, thời gian và thứ tự của các bài hát thường được sắp xếp nghiêm ngặt. Với dân tộc Mông Cổ phân tán ở các nước khác, truyền thống hát đồng song thanh đã được bảo tồn ở nhiều quốc gia và khu vực khác nhau. Ngày nay, nó chủ yếu được phổ biến ở Khu tự trị Nội Mông của Trung Quốc và các vùng núi Altai của Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, cũng như một số vùng nhất định ở phía tây Mông Cổ và Cộng hòa Tuva của Nga.
Gắn bó sâu sắc với lịch sử và văn hóa của dân tộc Mông Cổ, hát đồng song thanh có tầm quan trọng đáng kể đối với các nghiên cứu về nhân chủng học, lịch sử dân tộc và phong tục dân gian. Nhận ra giá trị của nó, Trung Quốc đã đưa hát đồng song thanh vào đợt di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên vào năm 2006, và nó được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể dưới cái tên Nghệ thuật hát Mông Cổ, Khoomei vào năm 2009. UNESCO tuyên bố: “Khoomei từ lâu đã được coi là một yếu tố trung tâm đại diện cho văn hóa Mông Cổ và vẫn là biểu tượng mạnh mẽ của bản sắc dân tộc. Là một cửa sổ nhìn vào triết lý và giá trị thẩm mỹ của người Mông Cổ, nó đã đóng vai trò như một loại sứ giả văn hóa thúc đẩy sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa Trung Quốc, Mông Cổ và Nga, và đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới như một hình thức biểu đạt âm nhạc độc đáo."
Trong những năm gần đây, hát đồng song thanh đã trở nên phổ biến hơn trên đấu trường âm nhạc toàn cầu bằng cách kết hợp các yếu tố hiện đại và quốc tế. Nó thậm chí còn trở nên phổ biến tại các lễ hội âm nhạc và trên các nền tảng mạng xã hội, thu hút sự quan tâm lớn từ các chuyên gia và học giả trong các lĩnh vực như xã hội học, nhân chủng học, lịch sử, nghiên cứu văn hóa, âm nhạc và nghệ thuật.
Trương Phan Thanh Thủy
Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á
Tài liệu tham khảo:
1. Qi Guangtan (2017), “Thinking of Inheritance and Protection of Khoomei Art in the Mongol Nationality”, 2017 International Conference on Humanities, Arts and Language, Francis Academic Press, UK, pp. 114-117.
2. Tịnh Tâm (2018), “Kĩ thuật hát song thanh đỉnh cao của người Mông Cổ, âm thanh vang vọng giữa thảo nguyên bao la yên bình”, Đại kỷ nguyên, https://www.dkn.tv/van-hoa/nghe-thuat/ki-thuat-hat-song-thanh-dinh-cao-cua-nguoi-mong-co-nhu-am-thanh-vang-vong-giua-thao-nguyen-bao-la-yen-binh.html.
3. Wuyun Zhang (2023), “Khoomei Research on Singing Techniques and Stage Performance”, International Journal of Education and Humanities, Vol. 10, No. 1, pp. 139-140.
4. Zhou Jing (2024), “UNESCO intangible cultural heritage: Khoomei, Mongolian throat-singing tradition”, China.org.cn, http://www.china.org.cn/arts/2024-04/26/content_117150769.htm.