Banner blog

QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM – MÔNG CỔ TỪ NĂM 2015 ĐẾN NAY

Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ chưa được phát triển, vẫn duy trì ở mức khiêm tốn trong những năm gần đây. Hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển giữa hai nước.

Do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ chưa được phát triển, vẫn duy trì ở mức khiêm tốn trong những năm gần đây. Hợp tác kinh tế, đặc biệt là thương mại và đầu tư vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển giữa hai nước.

Từ tháng 12/1979, hai nước đã thành lập cơ chế Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác thương mại, kinh tế, khoa học kỹ thuật nhằm thúc đẩy sự hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực khác có lợi ích chung giữa hai nước. Cơ chế này đã được nâng lên cấp Bộ trưởng từ năm 2012. Đây là cơ chế quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Đến năm 2022, cơ chế này đã tổ chức được 18 kỳ họp, phiên họp gần đây nhất (phiên thứ 18) tổ chức vào tháng 9/2022 tại thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ.

Ngoài ra, Việt Nam và Mông Cổ đã ký một số thỏa thuẩn hợp tác kinh tế như MOU về Hợp tác trong lĩnh vực thanh tra và kiểm dịch động vật (4/2017), MOU về hợp tác kinh tế và thương mại (8/2021), MOU về Hợp tác nông nghiệp (9/2022), MOU về thương mại gạo bền vững (11/2023), MOU hợp tác du lịch giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Thanh niên Mông Cổ (11/2024).

1. Thương mại song phương

Từ năm 2015 đến nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ liên tục tăng mạnh. Theo số liệu thống kê từ Văn phòng thống kê quốc gia Mông Cổ, năm 2015, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Mông Cổ đạt khoảng 33,8 triệu USD, trong đó kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ đạt 29,1 triệu USD và nhập khẩu của Việt Nam đạt 4,7 triệu USD. Đến năm 2023, kim ngạch thương mại giữa hai nước đã đạt hơn 120 triệu USD, 7 tháng của năm 2024 đạt 65,5 triệu USD.[1] Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các loại hàng nông sản, thực phẩm, đặc biệt là tân dược của Mekopharm, Bidipharm, Hậu Giang, Habaco, thuốc lá Sài Gòn, cà phê G7, phở khô, bia Saigon ... Hàng Mông Cổ xuất sang Việt Nam chủ yếu là cao ngựa bạch, thảm len lông cừu, các sản phẩm lông dê mịn, các sản phẩm làm từ da, găng tay da... Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Mông Cổ đã vượt qua với mức phấn đấu đặt ra tại Kỳ họp lần thứ 17 Ủy ban Liên Chính phủ hồi tháng 12/2019 (100 triệu USD). Mặc dù từ năm 2020 diễn ra dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mông Cổ vẫn khá ổn định và tăng mạnh. Đặc biệt, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt mức tăng trưởng 37,8% so với năm 2020 và tăng 20,8% so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19.

Bảng 1: Tình hình thương mại giữa Việt Nam và Mông Cổ từ năm 2015 đến nay

Đơn vị: triệu USD

Năm

Tổng kim ngạch thương mại

Tổng kim ngạch Việt Nam nhập khẩu từ Mông Cổ

Tổng kim ngạch Việt Nam xuất khẩu sang Mông Cổ

2015

33,8

4,7

29,1

2016

43,0

2,9

40,1

2017

41,5

1,7

39,8

2018

58,6

9,6

49,0

2019

66,4

9,4

57,0

2020

58,2

2,2

56,1

2021

80,2

0,5

79,7

2022

85,6

0,6

85,0

2023

120,4

5,6

114,8

Nguồn: Văn phòng thống kê quốc gia của Mông Cổ[2]

Kim ngạch hai chiều tăng mạnh chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mông Cổ đã có sự tăng trưởng từ năm 2015 đến nay, đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mông Cổ năm 2023 đạt mức tăng trưởng 42,1% so với năm 2020 và tăng 39,8% so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19.[3] Ngược lại, kim ngạch xuất khẩu từ Mông Cổ sang Việt Nam mặc dù có sự gia tăng vào giai đoạn 2018-2019, nhưng sau đó do dịch Covid-19 nên đã có sự giảm sút, kim ngạch xuất khẩu từ Mông Cổ sang Việt Nam năm 2021 đã giảm 77,3% so với năm 2020 và 94,7% so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19. Đến năm 2023, kim ngạch xuất khẩu từ Mông Cổ sang Việt Nam đã có sự phục hồi, đạt 5,6 triệu USD.

2. Đầu tư

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, đầu tư của Việt Nam vào Mông Cổ có sự gia tăng. Tính đến năm 2022, 164 công ty có vốn đầu tư Việt Nam đã đăng ký đầu tư khoảng 33 triệu USD vào Mông Cổ, chiếm 0,1% tổng số FDI của Mông Cổ. Trong đó, Việt Nam chủ yếu đầu tư 97,03% trong ngành ăn uống, 0,10% trong ngành xây dựng kỹ thuật và sản xuất vật liệu xây dựng, 0,19% trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, và 2,3% trong các ngành khác. Năm 2017, công ty “Monopole Pharmaceutical” của Mông Cổ và công ty “Global Nutrition” của Việt Nam đã thành lập một liên doanh quy mô nhỏ (7 triệu USD) trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm có hoạt tính sinh học. Năm 2019, nó đã được đồng ý đầu tư 2,5 triệu USD vào thiết bị sản xuất của Viện nghiên cứu dược phẩm MAS. Mặc dù có sự gia tăng về tổng vốn đầu tư, nhưng so với tổng vốn đầu tư của Việt Nam ở Mông Cổ tính đến tháng 6 năm 2012 là 24,92 triệu USD, chiếm 0,22% tổng số FDI của Mông Cổ, có thể thấy, tỷ lệ của tổng vốn đầu tư của Việt Nam ở Mông Cổ trong tổng số FDI của Mông Cổ giảm đi. Việt Nam chưa có dự án đầu tư chính thức sang Mông Cổ (ngoài các dự án đầu tư trực tiếp của người Việt Nam tại Mông Cổ, dự kiến trên 10 triệu USD). Ngược lại, đầu tư của Mông Cổ ở Việt Nam rất nhỏ, tính đến tháng 3/2022, Mông Cổ đã đầu tư 3 dự án ở Việt Nam với tổng số đầu tư đăng ký là 1,1 triệu USD, đứng thứ 97 trong tổng số 139 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án này không thuộc các khu công nghiệp, khu kinh tế tại Việt Nam.

Bảng 2: Tình hình đầu tư của Việt Nam vào Mông Cổ từ năm 2015 đến nay

Đơn vị: triệu USD

Năm

Dòng vốn FDI của Việt Nam vào Mông Cổ

Tổng đầu tư của Việt Nam vào Mông Cổ

2015

0,1

18,5

2016

0,0

18,3

2017

2,3

20,7

2018

0,0

20,9

2019

0,0

20,9

2020

0,0

20,9

2021

0,0

19,9

2022

0,0

19,47

2023

0,1

19,46

Nguồn: Văn phòng thống kê quốc gia của Mông Cổ, Ngân hàng Mông Cổ

3. Kết luận

Nhìn chung, trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước từ năm 2015 đến nay khá ổn định, có xu hướng tăng nhanh và mạnh với những bước đột phá tích cực. Đây là kết quả của sự nỗ lực của hai nước thông qua Hiệp định, thỏa thuận mà hai nước đã ký kết và các chuyến thăm cấp cao thường xuyên từ năm 2015 đến nay và quyết tâm đẩy mạnh thương mại, hợp tác kinh tế giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng nhanh và mạnh, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mông Cổ. Tuy nhiên, hai nước vẫn chưa tận dụng được thế mạnh của mình trong giao thương giữa hai nước. Việt Nam hiện nay đang xuất siêu sang Mông Cổ. Đầu tư giữa hai nước hầu như vẫn không thay đổi quá nhiều, chủ yếu là Việt Nam đầu tư vào Mông Cổ. Hiện nay, hai nước vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục trong việc thúc đẩy thương mại, đầu giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Trương Phan Thanh Thủy

Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á

Tài liệu tham khảo:

1. Tuấn Anh, “Hợp tác Việt Nam - Mông Cổ: Đảm bảo thực chất, hiệu quả, nắm bắt các cơ hội mới”, Nông nghiệp Việt Nam, 16/9/2022, https://nongnghiep.vn/hop-tac-viet-nam--mong-co-dam-bao-thuc-chat-hieu-qua-nam-bat-cac-co-hoi-moi-d332435.html.

 2. National Statistics office of Mongolia, https://www.1212.mn/en.

3. Nhật Khôi, “Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ”, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, 1/7/2023, https://vufo.org.vn/Quan-he-huu-nghi-truyen-thong-Viet-Nam-Mong-Co-09-109175.html?lang=vn.

4. Vân Anh, “Thông tin cơ bản về quan hệ Việt Nam - Mông Cổ”, Kinh tế & Xây dựng năng lượng, 27/10/2023, https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/thong-tin-co-ban-ve-quan-he-viet-nam-mong-co-697732.html.

5. National Statistics office of Mongolia (2021), Mongolia Statistical Book 2021, National Statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar.

6. ХУДАЛДАА, ЭДИЙН ЗАСГИЙН ХАМТЫН АЖИЛЛАГАА, МОНГОЛ УЛСААС БҮГД НАЙРАМДАХ СОЦИАЛИСТ ВЬЕТНАМ УЛСАД СУУГАА ЭЛЧИН САЙДЫН ЯАМ (Hợp tác kinh tế - thương mại, Đại sứ quán Mông Cổ tại Việt Nam), https://hanoi.embassy.mn/page/315.

7. Nguyễn Thị Thắm & Đào Thị Phương Thảo (2014), “Quan hệ kinh tế Việt Nam – Mông Cổ từ năm 2000 đến nay”, Tạp chí nghiên cứu Đông Bắc Á, Số 9, tr. 54-60.

8. “FDI attraction in Vietnam by Counterpart (Valid projects accumulated as of March 20th, 2022)”, Crowe, https://www.crowe.com/vn/insights/doing-business-in-vietnam/foreign-direct-investment-(fdi)-in-vietnam#details.



[1] Nhật Khôi, “Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Mông Cổ”, Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, 1/7/2023, https://vufo.org.vn/Quan-he-huu-nghi-truyen-thong-Viet-Nam-Mong-Co-09-109175.html?lang=vn.

[2] “Foreign trade”, National Statistics office of Mongolia, https://www.1212.mn/en/statistic/statcate/573062/table/573062.

[3] National Statistics office of Mongolia (2021), Mongolia Statistical Book 2021, National Statistics office of Mongolia, Ulaanbaatar, pp. 486.

0 / 5 (0Bình chọn)
Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận

    Tin tức khác

    Đọc nhiều

    Đang truy cập: 9

    Hôm nay: 30

    Tháng hiện tại: 148

    Tổng lượt truy cập: 148