CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VÙNG LÃNH THỔ ĐÀI LOAN DƯỚI THỜI NHÀ LÃNH ĐẠO THÁI ANH VĂN (PHẦN III)
2.1. Tiếp tục đẩy mạnh Chính sách hướng Nam mới
Trên cơ sở những kết quả và thành tựu đã đạt được kể từ khi Chính sách hướng Nam mới được ban hành (tháng 5/2016), chính quyền Thái Anh Văn trong nhiệm kỳ tiếp theo của mình tiếp tục duy trì, phát triển những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức đặt ra trong bối cảnh mới. Tuy chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng quan hệ kinh tế - thương mại giữa Đài Loan và các nước trong Chính sách hướng Nam mới vẫn duy trì trạng thái tốt đẹp, thậm chí còn có nhiều khởi sắc, đã mở ra cục diện mới, giúp cho các doanh nghiệp Đài Loan tiếp tục khai thác và mở rộng cơ hội kinh doanh mới tại các nước này.
Thị trường hướng Nam mới chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu và là thị trường xuất khẩu quan trọng của Đài Loan. Văn phòng đàm phán Kinh tế - Thương mại thuộc Viện Hành chính Đài Loan cho biết: trong năm 2021, kim ngạch xuất khẩu từ Đài Loan sang 18 nước hướng Nam mới đạt 82,58 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, vượt qua mức đạt được trước đại dịch năm 2019 (63,11 tỷ USD) và đạt kết quả tốt nhất kể từ khi thúc đẩy Chính sách hướng Nam mới vào năm 2016 cho đến nay. Trong đó, xuất khẩu vi mạch (IC) chiếm gần 40% tổng kim ngạch xuất khẩu từ Đài Loan sang các nước hướng Nam mới, tiếp theo là các ngành nghề như linh kiện và sản phẩm công nghệ thông tin và truyền thông, thiết bị bán dẫn và máy chế tạo chất bán dẫn, linh kiện quang học, sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm thép cán nóng, nguyên liệu nhựa và cao su, hóa chất hữu cơ,... cũng là những mặt hàng chính của Đài Loan xuất khẩu sang các nước hướng Nam mới. Về trao đổi kinh tế thương mại, trong nửa đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại của Đài Loan với các nước hướng Nam mới đạt 68,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 32,14%[1]. Nhìn từ thị trường xuất khẩu, xuất khẩu của Đài Loan sang các nước hướng Nam mới đã tăng trưởng 35,2%.
Không chỉ xuất khẩu của Đài Loan sang các nước hướng Nam mới đạt được kết quả nổi bật, mà đầu tư hai chiều giữa Đài Loan và các nước hướng Nam mới cũng tăng trưởng rõ rệt. Năm 2021 có thêm 121 dự án đầu tư vào các nước hướng Nam mới với số vốn đầu tư tăng thêm 5.828.350.000 USD, tăng 105,97% so với cùng kỳ năm 2000[2]. Ngoài ra, Đài Loan tiếp tục tổ chức các diễn đàn liên kết ngành trực tuyến với Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Ấn Độ, tổ chức các hội nghị về ngành công nghiệp không khói. Đồng thời, Đài Loan cũng nắm bắt sự phát triển của thị trường và nhu cầu của các quốc gia hướng Nam và giúp doanh nghiệp của Đài Loan tìm thấy các cơ hội kinh doanh ở những quốc gia này. Về trao đổi nhân sự, năm 2020, đã có hơn 50.000 sinh viên, học viên từ các quốc gia phía Nam đến Đài Loan. Mặc dù số lượng khách du lịch đã bị thu hẹp do dịch bệnh, nhưng trong năm 2021 Đài Loan vẫn tiếp tục duy trì đà du lịch thông qua các phương tiện truyền thông mới và kế hoạch thu hút một lượng lớn khách du lịch Hồi giáo sau dịch bệnh. Về chia sẻ nguồn lực, chiến lược “Một quốc gia, một trung tâm” được tiếp tục dựa trên 8 quốc gia mục tiêu trong đó có Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, 32 hội nghị truyền hình hoặc bài giảng đã được tổ chức trong nửa đầu năm 2021.
2.2. Tích cực phát triển quan hệ với các đối tác và tham gia vào các vấn đề quốc tế
Củng cố quan hệ với Nhật Bản, Bước vào nhiệm kỳ cầm quyền lần thứ hai, nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn vẫn chủ trương tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác và tổ chức đa phương quốc tế. Trong quan hệ hợp tác với Nhật Bản, khác với người tiền nhiệm Mã Anh Cửu, chính quyền của bà Thái Anh Văn chủ trương dựa vào Nhật Bản nhiều hơn, không ngừng đẩy mạnh mối quan hệ này trên nhiều lĩnh vực. Giữa Đài Loan và Nhật Bản thường xuyên có các hoạt động giao lưu, đặc biệt là trao đổi quốc hội. Diễn đàn chiến lược dân biểu Đài Loan, Hoa Kỳ và Nhật Bản do Đại diện Keiji Furuya khởi xướng, đã được tổ chức trực tuyến vào tháng 7/2021. Cả Đài Loan và Nhật Bản đều tổ chức hội nghị truyền hình trực tuyến lần thứ 4 về “Dự án nghiên cứu chung của các nhà nghiên cứu trẻ ở Đài Loan và Nhật Bản”. Tính đến tháng 12/2021, Nhật Bản đã tặng hơn 3,9 triệu liều vaccine Astrazeneca cho Đài Loan và đang xem xét đợt quyên góp thứ 6. Để bày tỏ lòng biết ơn và tăng cường hợp tác phòng chống dịch, Đài Loan cũng đã tặng 10.000 máy đo oxy trong máu và 1.008 máy đo độ ẩm cho Nhật Bản vào tháng 9 và tháng 10. Máy tạo oxy của Đài Loan tạo thành một “vòng tròn nhân ái” trong tình hữu nghị giữa Đài Loan và Nhật Bản. Đoàn Olympic của Đài Loan đã tham gia Thế vận hội Tokyo năm 2021 và được 28 chính quyền địa phương ở Nhật Bản tự nguyện đăng ký làm thành phố chủ trì đón tiếp đoàn vận động viên Đài Loan[3]. Trong buổi hòa nhạc do Hiệp hội giao lưu Nhật Bản – Đài Loan tổ chức vào cuối năm 2021 tại Đài Bắc, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp đã khẳng định “Nhật Bản và Đài Loan đã hỗ trợ lẫn nhau trong phòng chống đại dịch COVID-19 với tinh thần nhân đạo cao cả. Mối quan hệ Đài Loan – Nhật Bản có thể nói là ví dụ điển hình nhất cho mối quan hệ láng giềng sâu sắc. Năm 2022 là một dấu mốc quan trọng đánh dấu tình hữu nghị Đài Loan – Nhật Bản được 50 năm và tôi tin rằng tình hữu nghị này sẽ tồn tại mãi mãi”[4].
Thắt chặt với châu Âu: Kể từ khi Liên minh châu Âu đưa ra chiến lược “Kết nối châu Âu và châu Á”, Đài Loan và châu Âu đã thúc đẩy hơn nữa giao lưu và hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực. So với nhiệm kỳ đầu tiên, ở nhiệm kỳ thứ hai này của mình, chính quyền Thái Anh Văn đã chủ động tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với các nước trong Liên minh châu Âu (EU). Mặt khác, các nước châu Âu cũng đã điều chỉnh và xem xét lại các chính sách của Đài Loan, tạo bước đột phá trong quan hệ Đài Loan - châu Âu trên cơ sở hợp tác tốt đẹp. Trong năm 2020, quan hệ hợp tác giữa Đài Loan và châu Âu đã đạt được những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực như chính trị, giao lưu nhân dân và giao lưu văn hóa, hợp tác tư pháp. Nhà lãnh đạo Đài Loan đã có những bài phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị truyền hình “Hội nghị thượng đỉnh dân chủ Copenhagen” và Hội nghị trực tuyến “Forum 2000 Conference” lần thứ 24 tại Cộng hòa Séc vào tháng 6 và tháng 10, chia sẻ thành tựu phòng chống dịch bệnh và kinh nghiệm dân chủ của Đài Loan, đồng thời nhấn mạnh rằng các nước dân chủ có tư tưởng toàn cầu tương tự nên hợp tác chặt chẽ hơn. Ngoài ra, Nghị viện châu Âu đã thông qua sáu nghị quyết giữa Đài Loan và EU trong năm 2020, nhắc lại rằng EU sẽ làm việc với các đối tác quốc tế để tăng cường hợp tác với Đài Loan, ủng hộ mạnh mẽ sự tham gia có ý nghĩa của Đài Loan vào các tổ chức quốc tế và kêu gọi EU và Đài Loan bắt đầu các cuộc đàm phán đầu tư song phương. Chủ tịch Thượng viện Séc Miloš Vystrčil đã dẫn đầu đoàn đại biểu thăm Đài Loan vào tháng 8/2020 và thể hiện tình hữu nghị sâu sắc với Đài Loan bằng những hành động thiết thực, đồng thời là quan chức cấp cao nhất của các nước châu Âu đến thăm Đài Loan trong 30 năm qua[5]. Bên cạnh đó, các quốc gia ở châu Âu đã tăng cường hợp tác với Đài Loan trên nhiều phương diện như: Thỏa thuận hợp tác khoa học Đài Loan - Phần Lan được hoàn thành vào tháng 6 và tháng 8/2021 đã được ký kết; thỏa thuận dịch vụ hàng không Đài Loan - Đức được ký vào tháng 7/2021; thỏa thuận hợp tác tư pháp hình sự Đài Loan - Slovakia được ký vào tháng 8/2021. Đây là thỏa thuận hợp tác tư pháp thứ hai mà Đài Loan ký với một quốc gia ở châu Âu sau Ba Lan.
Tinh thần sẻ chia quốc tế trong đại dịch: Ngoài quan hệ ngoại giao với những trường hợp cụ thể trên, kể từ năm 2020 đến nay, đối ngoại Đài Loan cũng đã có những bước tiến mới trong quan hệ với nhiều nước khác, hình ảnh của Đài Loan ngày càng trở nên nổi bật trên trường quốc tế. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Đài Loan đã trở thành một mô hình chống dịch toàn cầu, tích cực chia sẻ kinh nghiệm phòng chống dịch theo “mô hình Đài Loan”, tích cực tham gia công tác viện trợ nhân đạo và y tế công cộng quốc tế, tiếp tục thể hiện “Đài Loan có thể giúp đỡ và Đài Loan đang giúp đỡ” bằng những hành động thực tế. Kể từ tháng 4/2020, thông qua sự phối hợp giữa khu vực công và khu vực tư nhân, Đài Loan đã cung cấp số lượng vật tư y tế trị giá hơn 70 triệu USD cho hơn 80 quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cung cấp 150.000 liều vaccine Medigen cho Somaliland. Cựu phó lãnh đạo Đài Loan Trần Kiến Nhân cũng đã khẳng định rằng để hoàn thành nghĩa vụ đối với cộng đồng quốc tế, Đài Loan cam kết sẽ trao tặng thêm 1,5 triệu USD để giúp nâng cao tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn cầu. Đài Loan sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác dân chủ và chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế[6]. Ngược lại, Đài Loan cũng đã nhận được nhiều sự ủng hộ và hỗ trợ của quốc tế khi đại dịch xảy ra. Bên cạnh việc nhận được vaccine viện trợ từ Mỹ và Nhật Bản thì các quốc gia như Cộng hòa Séc, Ba Lan và Slovakia cũng đã tặng vaccine phòng COVID-19 cho Đài Loan. Bên cạnh đó, Đài Loan còn thông qua các hội nghị truyền hình, các cuộc phỏng vấn video với truyền thông quốc tế góp phần đưa hình ảnh của Đài Loan vươn ra thế giới.
Về vấn đề tham gia vào các tổ chức quốc tế của Liên Hợp Quốc: do sự cản trở của Trung Quốc, Đài Loan vẫn chưa thể tham gia vào hệ thống của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, cộng đồng thế giới luôn lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ Đài Loan tham gia vào các tổ chức quốc tế và sức mạnh ủng hộ Đài Loan không ngừng tăng lên qua từng năm. Năm 2021, sự ủng hộ của quốc tế đối với việc Đài Loan tham gia vào Đại Hội đồng Y tế thế giới (WHA) đã đạt mức cao mới. Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã ủng hộ Đài Loan trong Thông cáo của các Bộ trưởng Ngoại giao; 14 quốc gia bày tỏ hỗ trợ thông qua các đề xuất, thư và bài phát biểu; Mỹ, Nhật Bản, Nga, Canada, Úc…đã hỗ trợ Đài Loan trong phiên họp toàn thể của WHA. Hơn 40 quốc gia bao gồm cả Thủ tướng Nhật Bản, Canada và Thụy Điển, cũng như các nhà lãnh đạo EU và các quan chức cấp cao đã công khai ủng hộ Đài Loan; hàng trăm quốc gia và 3.000 đại biểu cũng đã ủng hộ Đài Loan theo nhiều cách[7]. Ngoài ra, Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu... cũng ủng hộ mạnh mẽ Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa vào Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC), Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL)… với tư cách quan sát viên. Chánh văn phòng cơ quan ngoại giao Đài Loan – bà Từ Lệ Văn đã nhấn mạnh rằng Đài Loan sẽ tiếp tục tuân thủ nguyên tắc tham gia quốc tế “chuyên nghiệp, thực tế, có đóng góp”, cùng hợp tác với các nước có quan điểm tương đồng để tăng cường quản trị đa phương và trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc, để Đài Loan tiếp tục đóng góp tích cực cho thế giới. Ngày 13 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức ký kết “Đạo luật yêu cầu Ngoại trưởng thiết lập chiến lược hỗ trợ Đài Loan giành lại tư cách quan sát viên của Tổ chức Y tế Thế giới”, một lần nữa thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ nhất trí của cơ quan hành pháp và Quốc hội Mỹ đối với việc Đài Loan tham gia WHO. Vào lúc Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) lần thứ 75 sắp được tổ chức, việc đạo luật nói trên được lưỡng viện của Quốc hội Mỹ thông qua và được Tổng thống Biden ký kết, hoàn thành đạo luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo thêm nền tảng vững chắc để Đài Loan tiếp tục tăng cường mở rộng không gian quốc tế và đóng góp cho các vấn đề y tế toàn cầu.
Trong những năm qua, Đài Loan cũng đã mở rộng thêm phạm vi ngoại giao của mình, thông qua việc mở các văn phòng đại diện tại nhiều nước. Đài Loan đã mở Văn phòng đại diện Đài Loan tại Cộng hòa Somaliland vào tháng 8/2020 để tăng cường cơ sở quan trọng của Đài Loan cho các công việc ở khu vực châu Phi; thành lập Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại đảo Guam; mở Văn phòng Đài Bắc ở Provence, miền Nam nước Pháp vào tháng 12/2020 nhằm tăng cường hợp tác và trao đổi giữa Đài Loan và Pháp. Đặc biệt, Đài Loan đã có một bước ngoặt lớn trong quan hệ với các nước ở châu Âu khi Litva bất chấp những áp lực từ phía Trung Quốc đã quyết định cho Đài Loan mở Văn phòng đại diện tại Litva vào ngày 18 tháng 11 năm 2021. Đây là văn phòng đại diện đầu tiên của Đài Loan ở châu Âu sau 18 năm, đánh dấu sự đột phá lớn trong quan hệ hai bên. Ngoài ra, Đài Loan vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao hữu nghị với nhiều nước, đặc biệt là các nước thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thông qua hình thức trực tuyến và các phương thức khác, như: nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã gửi điện chúc mừng sinh nhật Vua Mswati III của Vương quốc Swadini vào tháng 4/2021; có cuộc gặp trực tuyến với Bộ trưởng Ngoại giao Guatemala Pedro Brolo vào tháng 5/2021. Vào tháng 8/2021, qua video nhà lãnh đạo Thái Anh Văn đã gửi lời chúc mừng tới Thủ tướng mới của Saint Lucia là Philip J. Pierre và gửi lời chia buồn đến St. Vincent & the Grenadines và Thủ tướng Ralph Gonsalves trong cùng tháng… Đài Loan cũng đang tích cực hỗ trợ các nước đồng minh trong việc tái thiết sau thảm họa và chung tay chống lại dịch bệnh, bao gồm cung cấp 300.000 USD cho quỹ cứu trợ vụ núi lửa phun trào ở St. Vincent & Grenadines và thúc đẩy dự án nghiên cứu về quản lý thảm họa và giảm gánh nặng y tế ở Tòa thánh Vatican; khôi phục và tái thiết Vương quốc Vadini, đồng thời tiếp tục quyên góp các thiết bị chống dịch như khẩu trang và máy tạo oxy… [8] Những hoạt động này của chính quyền bà Thái Anh Văn đã góp phần củng cố thêm quan hệ ngoại giao vững chắc với những đồng minh của Đài Loan.
Phan Huyền
Trung tâm Nghiên cứu Mông Cổ và vùng lãnh thổ Đài Loan
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (2020), Điểm lại Thành tựu Ngoại giao năm 2020: Tuân theo nguyện vọng ban đầu là “Ngoại giao kiên định”, kết nối thế giới, sắp xếp thế giới, đóng góp cho thế giới, và làm nổi bật Đài Loan, https://www.mofa.gov.tw/News_Content.aspx?n=96&s=94842
2. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (2021), Báo cáo về công tác ngoại giao của người đứng đầu Cơ quan Ngoại giao Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp tại Kỳ họp lần thứ 4 khóa 10 của Viện lập pháp Đài Loan ngày 18 tháng 10 năm 2021.
3. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (2021), Đánh giá thành tựu Ngoại giao Đài Loan năm 2021: Thúc đẩy “ngoại giao vững chắc”, cộng đồng quốc tế ngày càng ủng hộ Đài Loan, hình ảnh và tầm nhìn quốc tế của Đài Loan đang được cải thiện.
4. Cơ quan Ngoại giao Đài Loan (2022), Quan hệ đối ngoại Đài Loan https://www.ey.gov.tw/state/B099023D3EE2B593/e529d6b0-e467-45fc-9a5a-4facb49a8243
5. Hồ Tôn Hàn, Triệu Đình Dự (2021), Tình hữu nghị Đài Loan - Nhật Bản tiếp tục phát triển. Đại diện Nhật Bản tại Đài Loan nói : Năm 2021 là năm hữu nghị giữa Nhật Bản và Đài Loan, https://www.ntdtv.com.tw/b5/20211225/video/314140.html?台日友好續升溫!日代表:2021是日台友情年.
6. Taiwan Today (2022), Đầu tư thương mại của Đài Loan vào các nước trong Chính sách hướng Nam mới lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay, https://nspp.mofa.gov.tw/nsppvn/news.php?unit=443&post=215039